Tầm hơn một năm trước, season 1 của Hành trình nước Úc kể về hành trình truân chuyên của một nhan sắc Việt trong những buổi đầu bỡ ngỡ đến Úc được ra mắt. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, phải chăng sắc vóc cũng lại nhuốm màu phong sương, hay là dâu bể khiến chàng xụi lơ?
Câu hỏi không dễ gì có lời đáp. Nên mình viết tiếp season 2 này, hy vọng sẽ không làm bà con tụt mood.
Theo kịch bản ban đầu, season 2 sẽ viết tiếp về hành trình từ lập nghiệp sang “tạo nghiệp”, nhưng ngẫm cho cùng thì việc “tạo nghiệp” vẫn chưa xong, mà phàm cứ ra sớm thì mất vui. Do vậy, series này, chủ yếu chia sẻ những điểm mấu chốt khiến cuộc sống ở Úc khác biệt rất lớn với đại đa số mọi người, những cú shock về văn hóa, thói quen, cách cư xử và kể cả việc kiếm tiền. Phải nhìn thấy được căn nguyên của những khác biệt, để hiểu rõ và có nhìn nhận đúng về cuộc sống ở Úc, tránh những kỳ vọng, thất vọng, hoang mang rồi lỡ làng.
Mỗi khi đọc được những tranh luận kiểu ở Úc tốt hơn ở Việt Nam hay ngược lại, mình thấy khá buồn cười, kiểu như ông ăn chè chê bà ăn cháo, bảo chè mới ngon, xong rồi bảo phải thêm đá bào với nước cốt dừa, thêm vài hột đậu lạc, thì mới đúng điệu. Hay kiểu bánh pía với bánh… pie. Mày có thịt bò, mày bổ hơn, nhưng tao có sầu riêng, nên tao ngon hơn. Ủa, ai cấm việc ăn bánh pía sau khi ăn thịt bò, hay ăn bánh pie xong rồi làm miếng sầu riêng, cho thơm mồm. Nhưng muốn gì thì muốn, chứ muốn ăn ngon thì cần có răng. Cứ đi cãi ngang sẽ không đảm bảo được điều đó.
Cuộc đời cũng như toán học, muốn so sánh, phải đưa các hàm số vào trong một miền xác định. Và rằng, vốn không có sự so sánh nào là tuyệt đối cả, chỉ cần thêm một vài yếu tố, là phép so sánh vô nghĩa. Vậy nên, để đưa ra sự lựa chọn, đi hay ở, bạn cần có miền xác định, cũng như trong toán học vậy. Cái đúng, chỉ là tương đối, trong một miền xác định, đừng đem miền xác định của mình rồi bắt người khác phải học theo. Như thế, nói theo trend, là bạn xác cmn định là hổng đúng rồi.
Disclaimer: Tất cả những nội dung trong bài viết đều là nhận định chủ quan, mỗi bài viết trong series này có thể không liên quan đến nhau hoặc series có thể đột ngột ngưng bất kỳ lúc nào mà không hề báo trước, tại vì tác giả cũng chả biết kịch bản của các tập tiếp theo, toàn hứng ngang.
Tập 1: ĐỪNG TƯỞNG DÂN ÚC LƯỜI, KHÔNG PHẢI ĐÂU, TỤI NÓ ĐANG BẬN NGHỈ HOLIDAY
Đa phần, những gia đình lựa chọn định cư ở Úc, khi mới qua đều cảm thấy choáng ngợp, về không gian sống, về môi trường, về giáo dục, về đồ ăn thức uống, về sự an toàn. Khi đối chiếu với những gì đang diễn ra ở Việt Nam, đó là một khác biệt rất lớn.
Nhưng hãy khoan lý tưởng hóa mọi thứ, xứ Úc vốn không phải là thiên đường, mà chắc không thể thành thiên đường được, vì dân Úc còn đang bận take annual leaves, tức là bận nghỉ phép năm.
Có lẽ trừ các nước Bắc Âu, nơi phúc lợi xã hội thuộc hàng top thế giới, thì Úc là xứ sở mà chỉ cần người lao động ngồi thở là cũng có lương. Cứ làm đủ một năm, người lao động ở Úc sẽ được nghỉ 4 tuần, chưa kể public holiday tầm 13 ngày/năm. Nếu biết cách sắp xếp hợp lý với các ngày cuối tuần thì tổng số ngày đi chơi có thể lên đến 50 ngày/năm (~7 tuần).
Đấy là chưa kể 10 ngày personal leave, bao gồm sick leave, tức là được nghỉ khi bạn bị bệnh, carer leave, tức là nghỉ khi người ở cùng nhà cần chăm sóc, thêm 2 ngày compassionate leave, tức khi có các sự kiện đau buồn xảy ra cho thành viên trong gia đình.
Quay lại chút xíu về public holidays, thì ở VIC có 2 cái ngày nghỉ không giống ai.
Ngày thứ nhất là Friday before AFL Grand Final day vào tháng 9 hàng năm. Muốn biết dân Úc ham chơi hay không thì chỉ cần đọc mô tả về ngày này là tự dưng sáng rõ à. Lưu ý là football ở Úc (hay còn gọi là footy) không phải football của Messi (Messi mà vào giải này thì sẽ trở thành một đống bùi nhùi, đúng nghĩa là messy luôn). Vì ngày thứ bảy sẽ diễn ra trận chung kết của giải đấu, nên bà con được nghỉ nguyên ngày thứ sáu trước đó để có thời gian chuẩn bị ăn chơi. Rảnh hôn?
Ngày thứ hai là Melbourne Cup Day, tức là ngày dân Victoria đi xem đua ngựa, được tổ chức chính ở Flemington Racecourse ngay tại Melbourne, nhưng cũng có thể cùng lúc vào ở tất cả các vùng khác ở VIC, vào thứ ba đầu tiên của tháng 11 hàng năm. Ủa, cũng rảnh dữ hôn?
Cái máu ăn chơi của dân Úc nó không phải là truyền thống, mà đã được luật hóa như vậy đấy.
Một yếu tố quan trọng nữa để bổ sung cho cái máu ham chơi của dân Úc là lịch đi học của các bạn nhỏ. Một năm ở VIC chia thành 4 học kỳ, mỗi học kỳ kéo dài 10 tuần và nghỉ 2 tuần, gọi là school holiday. Tức không tính đến public holidays, thì quý vị quỷ nhỏ cứ học 10 tuần là có 2 tuần được nghỉ ở nhà, mà một năm tới mấy bận như vậy. Do vậy, nếu nhà nào có con đi học, thì cứ định kỳ 3 tháng là có một dịp nhức đầu nhức óc, tốn năng lượng và tiền bạc để giải quyết câu hỏi, đợt school holiday này mình đi đâu và làm gì.
Mà nếu bạn để ý thì, 4 học kỳ tức là 4x12=48 tuần, một năm có 52 tuần, vậy, còn nghỉ thêm 4 tuần đầu năm. Tổng thời gian nghỉ school holiday của đám monster nhỏ là tầm 12 tuần/năm (chưa kể public holiday). ÔI ÔNG BÀ ƠI! Đó là lời kêu than của những bố mẹ người Việt khi mới đặt chân đến Úc, và phát hiện ra rằng, có được ông bà ở cùng thì không khác gì giai cấp quý tộc hoàng gia ở Úc vậy.
Không phải vô lý mà dân Úc làm việc thì rề rà, nhưng holiday thì lên kế hoạch bài bản và chỉnh chu lắm. Nếu không tin thì bạn cứ thử đặt phòng, vé máy bay hay các tiện ích ở các khu nghỉ dưỡng ở Úc vào sát ngày holiday đi, bạn sẽ biết rằng có những gia đình đã đặt trước đó cả năm rồi. Rồi bạn bè của mình ở bên này cũng vậy. Vừa đi chơi chỗ nào về mà thấy được là book liền cho năm sau.
Nói túm lại là dân Úc, hở ra một tý là chuồn đi chơi. Hay nói cách khác, có thể xem tụi Úc đi làm vì cần relax sau khi những đợt đi chơi miệt mài, để nạp thêm tí máu để đi chơi cho khô máu.
Theo chủ quan của mình, đây là một trong những đặc điểm rất cơ bản khác biệt với cuộc sống ở Việt Nam, và từ đó dẫn dắt đến rất nhiều khác biệt về lối sống, cách làm việc, cách ứng xử và kể cả cách nền kinh tế Úc vận hành, những vấn đề sẽ được bóc tách dần dần qua các phần sau (nếu có phần sau).
Chúc mọi người một ngày mát lành (hôm nay nghe đồn lên đến 36 độ)
Melbourne 16.02.2023
Cre: Dao Tang Luc