banner quang cao web dulichnuocuc
HÀNH TRÌNH NƯỚC ÚC: Đi trong vô định
Trang chủ » Du lịch nước Úc  »  HÀNH TRÌNH NƯỚC ÚC: Đi trong vô định
HÀNH TRÌNH NƯỚC ÚC: Đi trong vô định

Tháng 5/2016, sau một tháng đi tiền trạm, tham quan Melbourne và Sydney, tụi mình về lại Việt Nam để gói ghém hành trang, tẩu tán tài sản (thiệt ra chỉ có cái xe máy, chứ nhà cửa toàn của phụ huynh). Háo hức với một chương mới của cuộc đời, ngỡ rằng đây, đời sẽ lên hương, nên nhiều khi làm việc không có kế hoạch.
Và quả nhiên, kế hoạch vỡ thiệt.
Tháng 7/2016, trước ngày bay qua lại Melbourne 2 tháng, chủ hộ báo cho mình biết là dân số thế giới chuẩn bị gia tăng. Sau giây phút choáng váng, mình thấy thật hãnh diện, chưa đầy 2 tháng được PR, mình đã góp phần chuẩn bị làm gia tăng nguồn nhân lực cho nước Úc. Nhân tố mới này là kết quả của việc vỡ kế hoạch, và nhân tiện, làm vỡ luôn kế hoạch của hai vợ chồng.
Chủ hộ là đương đơn chính, và mang bầu một đương sự, nên điều chắc chắn rằng, khi đến Úc vào tháng 9, chủ hộ rất khó để kiếm việc làm. Và thay vì ăn nhờ ở đậu, phải đi tìm ngay một chỗ ở thoải mái và độc lập để còn cung phụng cho quý công dân Úc chuẩn bị ra đời. Cũng may, tụi mình có người thân ở Melbourne, nên đỡ hoang mang và bỡ ngỡ rất nhiều ở những ngày đầu tiên.
May mắn thứ hai, là chỉ sau vài tuần ở Melbourne, nhờ các mối quan hệ ở Việt Nam, mình đã xin vào làm cho một văn phòng thiết kế nhỏ ở North Melbourne. Tuy thời gian làm việc chỉ có 3 tháng (trải dài trong 5 tháng vì mình còn vướng một số việc ở VN phải xử lý), nhưng đó cũng là một mốc quan trọng để hiểu được các khái niệm cơ bản về kiến trúc và xây dựng ở Úc.
Sau job đầu tiên đúng chuyên môn, ba tháng tiếp theo là job đúng trách nhiệm. Đến đất nước của Nữ hoàng, chủ hộ hạ sinh thêm nàng công chúa. Vậy là, tháng 2/2017, một công dân Úc ra đời, nhận mình làm bố (bố nó cũng không dám từ chối).
Đối với mình, việc chăm con, tuy hơi bỡ ngỡ, nhưng không phải là vấn đề gì lớn. Nhưng rõ ràng, đối với chủ hộ, việc thay đổi môi trường một cách đột ngột, thiếu đi sự hỗ trợ của người thân, và một tương lai hoàn toàn bất định, có khả năng không thể tiếp tục làm việc chuyên môn, mọi thứ dường như đều nằm ngoài khả năng kiểm soát, thực sự là một điều khó khăn, thậm chí là mờ mịt và đầy lo âu. Thêm nữa, nàng công dân Úc bị mắc thêm chứng eczema, đúng nghĩa là bệnh đặc sản dành cho dân châu Á của xứ này. Đúng nghĩa là rối như tơ vò.
Qua đến đây, mình mới biết nhiều về trầm cảm sau sinh, rồi cách thức nền y tế ở đây vận hành, mối quan tâm của xã hội đối với người phụ nữ sau sinh, thậm chí còn được xem trọng hơn đứa trẻ. Và trong thâm tâm, mình hiểu rằng họ đúng. Có những thứ, không thể diễn tả bằng lời, chỉ có hiểu được khi trải nghiệm. Về nền y tế của Úc, mình không dám so sánh về chất lượng, vì đó là chuyện so sánh không tương đương, nhưng yếu tố khác biệt lớn nhất, theo mình đó là con người, hay đúng hơn, cách thức đối xử giữa người với người. Chuyện này, rất khác với môi trường ở Việt Nam. Chính nhờ ở Úc, nhờ việc phải tự nỗ lực và nương tựa vào nhau, mình mới có cơ hội trưởng thành hơn về nhận thức. Chứ đúng là, nếu ở Việt Nam, chắc mình cũng khoán trắng việc chăm sóc vợ con cho ông bà hay người giúp việc, rồi điềm nhiên như không.
Ở Melbourne, còn phải đối mặt với một trở ngại khác - Thời tiết. Có những lúc trời đang nắng đẹp, tự nhiên mây mù giăng lối, gió nổi ào ào, nhiệt độ rơi oạch từ 24 độ xuống dưới 10 độ. Ví von văn vẻ, thời tiết của Melbourne như một cô gái đỏng đảnh, hay nói huỵch toẹt là như một con điên. Có những ngày, nhiệt độ ban ngày và ban đêm có thể chênh nhau hơn 20 độ, rồi độ ẩm quá thấp, nên người mới qua cứ như bánh tráng sấy. Mùa thu và mùa đông ở Melb, ở trong những căn nhà kiểu cũ, cách nhiệt kém thì mới thấy đông sao mà thù. Dù rằng mùa thu của Melb thì rất đẹp, nhưng chưa quen với thời tiết của Melb thì cùng với nỗi nhớ nhà, có thể dắt cảm xúc của con người xuống rất thấp.
Ngôn ngữ, chắc chắn cũng là một rào cản lớn. Tuy cả hai vợ chồng đều đạt chuẩn IELTS 6.5, nhưng thực chiến mới thấy, tiếng Anh của mình chỉ là “ai eo ôi”. Lắm lúc, không biết người ta nói cái gì, rồi băn khoăn luôn là mình đang nói cái chi. Hồi đó ở Werribee, có mấy người Việt đâu, nên thiệt tình struggle với những giao tiếp thường ngày, nhất là mấy đoạn phải đối thoại liên quan Centrelink hoặc GP, vì đôi khi cũng ngại interpreter người Việt bên này, bởi lẽ, không phải ai cũng dùng chung kiểu tiếng Việt như mình.

Đi trong vô định
Đi trong vô định


Rồi nhịp sống cũng là một thách thức lớn đối với những ai đã quen thuộc với sự sôi động ở Việt Nam. Thành phố Meo buồn! Ở ngay city thì may ra còn thấy đời tươi. Chứ ở những khu xa nơi phố thị thì buồn hiu hắt lòng. Nhớ nhất là mấy hôm chiều xuống, thèm ngồi quán cóc ngắm phố xá, thiên hạ lên đồ, ngựa xe nườm nượp, nhưng lếch vào Town Center thì tầm 8h30-9h là phố xá vắng tanh. Nếp sống ở VIC và chắc là cả ở xứ Úc này khá chậm rãi, và khoan thai. Đương nhiên, sự kiện, hội hè thì cũng rất nhiều, nhưng nhịp sinh hoạt thường nhật và lối sống của đa phần dân Úc khác biệt hoàn toàn với môi trường ở Việt Nam. Nếu không chuẩn bị sẵn tinh thần cho việc thích nghi, bạn sẽ dễ “chầm cảm”.
Khó khăn tiếp theo là tài chính. Từ ngày bước chân xuống máy bay, não bộ mình luôn vận hành như một cái “con cu lây tờ - calculator” hay đúng hơn là converter, chuyên đổi từ đô Úc sang tiền Việt. Mà bố khỉ, số nó không chẵn, luôn dao động từ 15-17k/AUD. Bốc một món hàng lên, tay mân mê, mắt đăm chiêu, đầu muốn bốc khói, tại vì CPU phải hoạt động để chuyển thành tiền Việt. Đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành là hoàn toàn đúng hoàn cảnh. Theo quán tính của người Việt, mình phải luôn có dự phòng cho những thời điểm như thế này, nhưng khi bắt đầu tiêu vào dự phòng phí thì lại bắt đầu hoang mang. Ôi, sao đường xa quá ngại! Thiệt ra, mình thì không hoang mang, vì có phải chủ hộ đâu mà được cầm tiền. Nói thế, chứ cũng phải lo. Ngồi không ăn thì núi cũng lở, huống chi là gò mối nho nhỏ như nhà mình.
Cũng còn may là mình được thuê nhà của người thân với giá hỗ trợ, nhưng chi tiêu thì phải rất chặt chẽ. Đi shopping thì phải lựa hàng khuyến mãi hoặc cận date để giảm thiểu chi phí. Hồi đó mình ở Werribee, hay đi mua thịt ở Tasman Butcher, mỗi lần ghé đó là me món nào down giá mới mua, còn không thì mua những món không bao giờ down giá ?. Mua đồ trong nhà thì phải siêng ghé Op shop như Vinnie hay Salvos, hay săn trên Market Place, Gumtree… Đi mua quần áo thì toàn vào H&M, canh đồ 5$-10$ mà hốt. May mình cũng có nhan sắc, nên bận đồ khuyến mãi vẫn cứ như người mẫu, tuy không chắc là mẫu thuộc chuẩn nào.
Bây giờ nhìn lại, rõ ràng rằng, sinh hoạt phí, và chi phí cơ bản ở Úc, thật ra không quá cao. Hồi đó, tổng chi phí mỗi tháng của nhà mình tầm $2500-3000. Nói rằng tiết kiệm, nhưng thực chất gia đình mình chỉ cố gắng chi tiêu hợp lý, giảm tối đa những chi phí không đáng có, chứ không phải là hà tiện. Mình thỉnh thoảng cũng được một hai thùng bia, một vài chai rượu, (hàng thiết yếu mà lị). Sau thẻ thư viện, DanMurphy là thẻ member thứ hai được đứng tên mình (chủ hộ đứng Woolies với Flybuy) ?
Một điều quan trọng nữa, ngoài chính phủ với Centrelink, còn rất nhiều hội nhóm thiện nguyện sẵn sàng hỗ trợ bạn nếu bạn thực sự khó khăn. Tuy không được nhận trợ cấp, nhưng nhân viên Centrelink đã giúp gia đình mình đăng ký với một tổ chức của nhà thờ, mỗi 2 tuần 1 lần, mình được đến nhận thực phẩm, họ chuẩn bị sẵn đồ ăn, bao gồm những thực phẩm cơ bản như sữa, bánh mì, rau củ, trái cây, đồ hộp và cả thịt tươi sống. Họ tặng đồ cho gia đình mình, nhưng rất tế nhị, kiểu như sợ mình bị mặc cảm. Trong những lúc khó khăn, thường chúng ta rất nhạy cảm, nhưng tụi mình luôn cảm thấy biết ơn vì sự tử tế của rất nhiều người, thấy cuộc sống nhẹ nhàng và cũng đầy hy vọng. Vậy nên, khi có dịp, mình đều cố gắng hỗ trợ bất kỳ ai nếu trong khả năng của mình. Nghe có vẻ sến sẩm, nhưng đúng thật là khi trao đi là được nhận nhiều hơn (nhưng không chắc sẽ đúng cho việc chơi số đề với lotto à nha)
Năm 2017, thực sự là một năm rất khó khăn. Cũng đúng thôi, thường sau sự hứng khởi, sẽ phải đối mặt với những trở ngại. Sau trăng mật thì sẽ tới thời kỳ dập mật. Cũng là một may mắn, khi mình chưa bao giờ xuống tinh thần vì hoàn cảnh, chưa bao giờ nghi ngờ gì về quyết định “bỏ xứ ra đi” của gia đình mình. Bởi lẽ, mỗi sự lựa chọn, đều vốn không có đúng hay sai, nên không thể phán xét, lại càng chẳng thể hối tiếc. Vì hối tiếc cũng không có thay đổi được gì. Chính vì vậy, tụi mình cứ điềm nhiên bước đi.
Chém gió thế thôi, chứ sau vài tháng ăn không ngồi rồi, cũng đôi lúc giật mình thon thót, liếc từng tờ lịch rơi xuống mỗi ngày, “nhìn về tương lai mà thấy sông rộng đường dài”. Khi tiền bạc bắt đầu cạn kiệt, áp lực phải tìm được việc càng tăng cao.
Nhưng làm sao kiếm được việc khi local experiences chỉ có 3 tháng, đặc biệt là việc phù hợp với chuyên môn của mình. Thiệt sự là những câu hỏi quá khó. Tương lai rồi sẽ sao? Xem hồi sau sẽ rõ

Cre: Dao Tang Luc

5/5 - (30 votes)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *