banner quang cao web dulichnuocuc
Hành trình Úc – Cứ phải làm lương thấp thì là kém năng suất?
Trang chủ » Định cư Úc  »  Hành trình Úc – Cứ phải làm lương thấp thì là kém năng suất?
Hành trình Úc – Cứ phải làm lương thấp thì là kém năng suất?

Quay trở lại Melbourne với ngổn ngang trăm mối, nhưng cuộc gặp với người chủ của công ty mới mở ra một triển vọng mà mình không ngờ đến. Đây là một công ty chuyên về kết cấu, muốn mở rộng thêm mảng kiến trúc nhà ở, và muốn mình về build team kiến trúc. Điểm đặc biệt hơn, phần drafting sử dụng nhân lực ở Việt Nam. Nhưng thú vị là, tuy có văn phòng ở Việt Nam, nhưng mình lại là người Việt duy nhất ở Melbourne.
Sau khi đã báo cho công ty cũ, mình nhận việc mới. Háo hức vì được thử thách và lần đầu tiên ở Úc, được trở thành nhân viên toàn thời gian, được nhận super, rất này và rất nọ.
Ngỡ như mọi thứ đã bắt đầu ổn định, nhưng đúng là hồng nhan truân chuyên. Mình xin nghỉ việc, chỉ sau 2 tháng, bất chấp ông chủ đề nghị mình tiếp tục ở lại.
Trước sự ngỡ ngàng của ông chủ, mình thành thật chia sẻ rằng, sau thời gian làm việc, dù chuyên môn của mình tốt đến đâu đi nữa, nhưng qua những job đang làm ở công ty, mình thấy rõ điểm yếu rất lớn của mình là chưa đủ kinh nghiệm để độc lập xử lý một cách gọn gàng và hiệu quả công việc, vì thiếu đi một senior hướng dẫn.
Mình cần phải có môi trường để tích lũy kinh nghiệm, và mình muốn quay trở lại công ty cũ làm việc, vì dù mức lương thấp, nhưng khối lượng công việc nhiều, và có rất nhiều người có kinh nghiệm để mình có thể học hỏi mỗi ngày. Nếu tiếp tục làm việc ở đây, mà không mang lại hiệu quả, thì đó là sự lãng phí thời gian và tiền bạc cho cả công ty và cả chính bản thân mình, vì năng lực của mình chỉ dậm chân tại chỗ. Và rõ ràng, điều này hoàn toàn không fair cho kỳ vọng của ông chủ.
Sau khi trầm ngâm nghe mình trình bày, anh ấy đã đưa ra một đề nghị mà mình ngỡ ngàng. Sếp chấp nhận yêu cầu của mình, nhưng đề nghị sẽ để dành vị trí đó cho mình ít nhất 6 tháng nữa, và sẽ tuyển dụng vị trí senior để có thể bổ sung kinh nghiệm cho mình. Hãy quay về khi công ty đã tuyển được senior. Nghe xong mà mình choáng váng, không thể tin được. Lẽ nào, nhan sắc mình đã phi thường đến mức có thể khiến người khác đắm đuối đến mức này! Và mình đã trả lời rằng, mình không thể hứa trước, nhưng nếu có thể, chắc chắn mình sẽ quay lại.
Về công ty cũ, sếp cũ vui vẻ đón chào, vì mình làm dạng contractor, làm theo từng dự án, và trước khi nghỉ việc lần trước, mình đều xử lý gọn gàng các job được giao, nên việc bắt đầu hay kết thúc giữa chừng đều không là vấn đề.
Không ngờ, chưa đầy 3 tuần sau, sếp mới đã tuyển xong senior cho mình. Senior trên 50 tuổi, gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực architecture drafting. Hoàn toàn đúng y mô tả công việc, tính luôn việc không biết vẽ trên máy tính (ai biểu không đề cập trong JD). Hàng hiếm!
Sếp mới đề nghị mình sắp xếp quay lại sớm nhất có thể. Tự dưng rơi vào thế khó, mới vừa quay lại với người cũ, giờ lại phải rời đi, chả lẽ cứ đẹp là sẽ bội bạc sao? Lắm mối cũng lắm nỗi u sầu.
Sau một hồi suy nghĩ, tự dưng giải pháp lóe lên như một tia chớp. Ngày hôm sau, mình gặp sếp cũ, xin nghỉ việc vì chuyện gia đình, và giới thiệu chủ hộ mình vào làm thay (rõ ràng là chuyện gia đình nhá, mình không hề nói ngoa, chỉ có tí xíu lắt léo thôi ?). Quả thật, nếu xét về nhan sắc, chủ hộ không thể so với mình, nhưng về tài năng thì không kém. Vậy nên, chỉ trong vòng một nốt nhạc, chủ hộ có luôn việc làm.
Đấy, nếu không có nhan sắc của mình, thì làm sao việc có thể thuận lợi đến mức như thế.
Quay trở lại công ty mới, quả nhiên senior mới cực kỳ có kinh nghiệm. Tuy không vẽ máy, nhưng kỹ năng vẽ tay rất chính xác và có rất nhiều kiến thức, lại truyền nội công 1 kèm 1, nên mình học rất nhanh. Sau đó, viễn cảnh được về Việt Nam công tác trở thành hiện thực trong vài tháng tiếp theo. Mình được giao nhiệm vụ về Việt Nam build up team kiến trúc, và training chung cho văn phòng ở Việt Nam.
Và bắt đầu từ đây, câu chuyện rẽ sang một hướng khác.
Văn phòng ở Việt Nam được xây dựng đã hơn 5 năm, toàn nhân viên trẻ, đa phần là kỹ sư xây dựng, có một vài bạn đang học master. Môi trường làm việc, tuy không hoành tráng, nhưng có vẻ cũng ổn.
Từ lúc ở Melb, thỉnh thoảng mình vẫn nghe team engineer phàn nàn trong các cuộc họp công ty về tiến độ và chất lượng của hồ sơ do team VN thực hiện. Nhưng lúc đó, mình không có ý kiến, vì team kiến trúc vẫn làm việc hiệu quả. Khi đó, mình tự nhủ, có thể vì mình là người Việt nên không gặp trở ngại gì về communication với team của mình.
Về VN, sau khi trao đổi với mọi người, mình hiểu ra vấn đề. Chúng ta bị đánh giá thấp, vì chúng ta mặc nhiên chấp nhận đánh giá của người khác.
Vì chi phí nhân công ở Việt Nam rẻ, nên chúng ta tự cho mình nằm ở cấp bậc thấp hơn trong cấu trúc của công ty, và người ở Melbourne có quyền điều phối, và chúng ta, không có quyền nói không.
Trong một cái xe, đúng là có phần quan trọng đắt tiền, và những phần không đắt tiền. Nhưng khi một cái xe đang chạy, tất cả mọi bộ phận tham gia vào việc chạy xe, đều có vai trò quan trọng gần như nhau. Một cái bánh xe, giá vài chục đô, cũng góp phần không nhỏ tựa như cái động cơ giá vài ngàn đô. Bạn không thể tra dầu cho động cơ, rồi bất cần bơm hơi cho bánh xe, nhưng lại yêu cầu cả cái xe chạy theo tốc độ tối đa của động cơ.
Rẻ, không đồng nghĩa là thiếu giá trị.
Trong đợt training lần đó, mình trao đổi với các bạn rất nhiều về giá trị công việc, giá trị con người, cách thức quản lý dự án. Các bạn cần phải hiểu trách nhiệm của mình và không được phép cho người khác đổ lỗi chỉ vì mình là người được trả lương thấp hơn.
Nếu năng lực của các bạn cao hơn vai trò của các bạn đang làm, hãy dũng cảm đứng lên nhận lấy thách thức lớn hơn, đừng mong đợi ở những người ở xa nhìn thấy. Sau hơn 5 năm, công ty vẫn chỉ sử dụng các kỹ sư kết cấu Việt Nam như những họa viên với mức lương tương ứng.
Quay trở lại Melbourne với cái nhìn bao quát hơn, mình hiểu ra rằng, “người Việt giá rẻ” đang là thực trạng. Chuyện này, không chỉ gói gọn trong phạm vi cách nhìn của người nước ngoài về Việt Nam, mà chính ra, từ cách người Việt tự nhìn nhận mình.
Trong suốt quá trình đi làm ở bên này, mình thấy rõ, điểm quan trọng nhất, giữ cho mình đứng thẳng, đó là không bao giờ tự đánh giá thấp mình. Mình từng chấp nhận mức lương thấp cho những lần thử việc để gia tăng cơ hội nhận việc, nhưng bao giờ cũng yêu cầu được review sau 1 tháng. Và cả 2 job gần nhất, sau 1 tháng đầu tiên, mức lương của mình đều cao hơn tối thiểu 25-30% mức lương thử việc (Nói cho rõ là nhan sắc không dính dáng gì đến chuyện này nhá, vì mình xem nhan sắc của mình thuộc giá trị của cộng đồng goy, đang hy vọng sẽ trở thành tài sản quốc gia ?)
Thế nhưng, kinh nghiệm làm việc cho thấy, người Việt có xu hướng rẻ hóa giá trị lao động. Khách hàng người Việt ở bên này, luôn có xu hướng tìm giá rẻ. Và có cung là sẽ có cầu, họ thường deal với những “rẻ nhân”, những người chấp nhận nhận việc giá rẻ và bỏ qua chi phí dự phòng rủi ro. Có những trường hợp may mắn, công việc thuận lợi, và khách hàng hài lòng. Nhưng, đời là kiếp đỏ đen, cũng phải có lúc đen chứ, làm gì lúc nào cũng đỏ quạch. Kết quả là, khi có bất kỳ rủi ro nào xảy đến, họ không cover được chi phí, và cách nhanh nhất là bỏ đi. Hành động này, bảo vệ cho “rẻ nhân” trước mắt, nhưng đem lại hậu quả lâu dài cho khách hàng, và cả cộng đồng người Việt. Vì tiếng xấu đồn xa.
Tại sao, mình lại liên kết câu chuyện ở Việt Nam và ở Úc?
Bởi lẽ, trả giá rẻ là việc của người mua, còn chấp nhận bán giá rẻ, lại là việc của người bán.
Chúng ta có thể bán sức lao động với giá rẻ, nhưng, không đồng nghĩa chúng ta chấp nhận mình rẻ. Nghĩa là, giá rẻ không phản ánh được giá trị. Lằng nhằng nhỉ, cứ như triết học Mác lê.
Túm cái quần cho đơn giản là, có thể bạn chấp nhận làm giá rẻ, nhưng chất lượng công việc của bạn không được phép rẻ tiền. Thì về lâu dài, chắc chắn giá của bạn không thể rẻ được, vì rẻ chỉ là hình thức chứ không phải là bản chất.
Nói đơn giản hơn, đừng để giá rẻ trở thành giá trị của bạn.
Công việc mới, tưởng đâu là một mối tình trong mộng đẹp, bất chợt, xuất hiện những kẽ nứt về thế giới quan. Rồi bất chợt, covid ập đến, thế giới xoay vần đảo điên. Trong cơn điên loạn của nhân thế, mối lương duyên thuở ấy liệu có vững bền? Chuyện gì đã xảy ra, để giờ đây, nhan sắc hôm nao lại lang bạc kỳ hồ, chém gió liên tu bất tận, gây bao phong ba nơi chốn giang hồ?
Nếu các bạn vẫn chưa chán ngán, xin xem tiếp hồi sau sẽ tận tường.
Phần 5: Thế giới cũ rạn vỡ, một con đường mới hé lộ

5/5 - (10 votes)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *