banner quang cao web dulichnuocuc
Tại sao phải hoảng loạn? (khi mới học code) học ngành IT tại Úc
Trang chủ » Du học Úc  »  Tại sao phải hoảng loạn? (khi mới học code) học ngành IT tại Úc
Tại sao phải hoảng loạn? (khi mới học code) học ngành IT tại Úc

Disclaimer: Bài viết này không áp dụng cho tất cả người học và xin dành tặng riêng cho những tay ngang hoang mang khi vừa học code. ?
Khi những tay ngang bắt đầu chuyển sang học code, bên cạnh một số bạn nhận ra đây là chân ái của đời mình ngày đêm cày code kiểu chưa thấy gì trên đời hay đến thế sao đến bây giờ mình mới biết ta, thì cũng có một số bạn cũng ngày đêm đọc code nhưng không hiểu, thức trắng đêm cũng không hiểu và bắt đầu rơi vào một trạng thái hoảng loạn và nghĩ rằng mình không thể làm được.
Nực cười! Sẽ dễ dàng để nhiều người cảm thế thế và đặt trong đầu vài câu hỏi chất vấn: “Tại sao phải o ép mình thế?”, “Làm gì mà đến nỗi căng thẳng như vậy?” hay “Có lẽ bạn í không phù hợp để học code”. Nhưng dừng lại… chờ chút xíu, nghe quen quen ta. Nếu bạn là tay ngang bắt đầu học code, mà bắt đầu cảm thấy hoảng loạn (panic) thì chắc là bạn cũng giống mình ngày xưa.
Hầy! Ông Jayden! Ngưng xạo chó! Sao cái gì nghe cũng bảo là giống ông. Chả phải điểm ông cao. Ông ra trường mấy tháng là có việc làm. Thì ông khuyên người ta cái gì?
Thật ra thì…
Học kì đầu học IT, mình đã phải đi trị liệu vì depression. Trong vòng 3 tháng, mình giảm 10kg. Gần cuối kì đó, mình lên lại Wollongong để dự tốt nghiệp của bạn thì bạn mình bảo có lẽ mình cần đi bác sĩ vì nhìn đã không còn giống những ngày xưa nữa, lạ lẫm và gầy rộc đi. Những ngày ở Adelaide, mình ngồi lì trong thư viện, cố gắng hiểu bài, nhưng vẫn không ra. Tựa hồ như bạn bị kẹt sau một cánh cửa sắt, nhưng bạn không có cách nào để mở khóa, bạn loay hoay, nghĩ rằng và thế là hết.
Lúc đó mình đã tính bỏ học hẳn nhưng lại rơi vào một trạng thái tiến thoái lưỡng nan. Bỏ thì làm gì? Nợ tiền học thì ai trả? Về Việt Nam lại quay về công việc ngày trước? Vậy thì ngày trước đi Úc làm gì? MÌnh cảm thấy mình such a big loser và đến khi không chịu nổi nữa, mình đã đi gặp GP và sau đó là Counselling Psychologist. Mình còn nhớ cô ấy bảo cô ấy sẽ để sẵn giấy cho mình, nếu mình thi xong và nghĩ rằng sẽ trượt thì submit giấy để có được miễn tiền học lại hoặc ít ra sẽ được cân nhắc để giúp đỡ. May mắn là với sự giúp đỡ của cô ấy, mình đã đi tiếp được. Đây có lẽ là một sự kiện lớn trong đời thôi thúc mình bắt đầu hành trình Coding Mentor – Tay ngang học code cùng với Tony.
Vì đâu nên nỗi?
Chẳng có gì sai khi đặt những câu hỏi ngược lại cho những người rơi vào tình huống trên. Nhưng mà bạn ơi, mỗi người mỗi cảnh. Với những người tiếp cận code từ sớm, họ sẽ dễ tiếp thu hơn rất nhiều, tương tự với những ai có background kĩ thuật. Nhưng với những người có background khác, thì khi bắt đầu lại, họ đang phải tiếp xúc với một thứ hoàn toàn mới, chẳng giống với ngôn ngữ bình thường mà họ vẫn nói cho nhau nghe, hay như bản nhạc êm dịu đưa ta vào giấc ngủ.
Và bạn chẳng thể nào khuyên họ thế thì đừng học nữa hay là học cái khác đi. Như mình đã nói ở trên, mỗi người mỗi cảnh. Có thể họ học vì muốn tìm một tấm vé ở lại Úc, hay họ là những anh thợ bếp làm việc nặng nhọc bị ảnh hưởng sức khỏe và cơ thể họ không cho phép với công việc hiện tại nữa, hay đơn giản như mình ngày xưa, họ không có đường lui.
Đến đây câu chuyện cũng nhiều, nên với những ai cùng thuyền trong hoàn cảnh này, mình có mấy điều nho nhỏ cho bạn.

  1. Tin là bạn sẽ hiểu
    Hồi đó chương trình học cấp 3 của mình hơi nặng hơn bình thường, lớp có vài người lảo đảo. Một chiều thầy dạy mình, lúc đó đã tầm 60, mới đóng cửa lớp lại và bảo:
  • Thầy muốn dặn các con điều này, nếu các con học không hiểu, thì bỏ qua và cứ học đi, học phần khác hoặc đọc sách khác, rồi đến lúc các con sẽ hiểu.
    Lúc đó mình nghe không hiểu gì hết, kiểu trời ơi đã không hiểu rồi, còn bắt học nữa lú mề luôn sao. Nhưng càng lớn thì mình càng thấm. Người lớn tuổi hẳn họ cũng từng có thời trẻ, có những khoảng thời gian chiêm nghiệm nào đó để nhận ra. Trong trường hợp này, điều đầu tiên bạn cần làm là thôi hoảng loạn vì nó không giải quyết được gì. Nếu có thể, đọc qua phần khác để tăng nội công của bạn lên, hoặc đọc một bài viết khác cùng một nội dung, rồi một lúc nào đó khi skill của bạn tăng lên một chút rồi, thì khi đọc lại bạn sẽ dễ ngộ ra hơn là một đứa mới toe được đập vào mặt đống kiến thức hoàn toàn mới.
    Ví dụ lúc mình học về lập trình hướng đối tượng (OOP), mình nghe giảng trên lớp không hiểu lắm, nên lên Udemy kiếm khóa học nghe lại đúng phần đó, cũng chưa hiểu lắm, lại search bài viết tiếng Việt đọc thêm, hiểu thêm một chút lại kiếm video của một thầy người Việt khác nghe vào, rồi lại đọc thêm ví dụ về đúng phần đó. Rồi mình hiểu. Và mình cũng nhận ra không hẳn thầy trên lớp dạy chưa đủ hay, nhưng có thể lúc đó mình mới ngấm 5%, mình nghe bài giảng khác thì do đã hiểu được 5% rồi mình dễ hiểu hơn một tí và hiểu được 15-20%, dần dà sẽ hiểu sâu hơn qua mỗi lần tìm hiểu.
  1. Tìm người bấu víu
    Giống như ví dụ về việc bạn bị kẹt sau một cánh cửa sắt và không biết làm gì để thoát ra. Thì giờ bạn có ngồi đó nhìn cái cửa cũng không giải quyết được. Chi bằng bạn đi tìm một ai đó để mở cửa cho bạn, có thể họ biết cách mở khóa, hay là người chế tạo bom cho nổ cái đùng một cái để bạn có lối đi, cách nào cũng được. Vậy thì tìm ở đâu.
    Nếu mình gặp lại mình của kì học đầu tiên đó, thì mình sẽ bảo mình đi ngủ đi thức làm gì cho mệt. Sáng sớm tươi tỉnh mà đi gặp lecturer/ tutor của môn đó mà nhờ họ giảng lại. Hoặc kết bạn trong lớp mà hỏi. Còn như bây giờ có group Coding Mentor, bạn lên đó hỏi bài, còn những bạn học trong lớp thì cứ nhằm vào giáo viên mà hỏi nhiều vào, hoặc thấy ông bà nào trong lớp có vẻ đỉnh thì nhắn tin kết thân nhờ giảng bài. Quan trọng là đừng dấu dốt, nói như thầy Dũng thì “muốn dốt muốn ngại trong lớp hay đến lúc đi phỏng vấn lòi dốt ra”.
    Nếu bạn có một network những người cùng chí hướng hoặc ngành nghề giống mình, đó là một điều khá tuyệt vời. Có thể họ không đủ thời gian để hướng dẫn bạn như một người dạy, nhưng là một người đi trước, họ sẽ cho bạn được lời khuyên, kiểu như một người bị lạc được chỉ đường cho đúng vậy.
    Thậm chí đến lúc đi làm cũng chưa chắc bạn có thể hỏi đồng nghiệp tất cả. Hoặc có khi người train bạn là người vừa nghỉ (nhờ vậy mới có slot cho bạn vào), và network vẫn là thứ giúp bạn mạnh mẽ nhất. Mình còn nhớ lúc mình đi làm rồi, gặp vấn đề khó quá vẫn đi cầu cứu bạn bè. Như anh Đạt chuyên phải review code iOS cho mình thưở mới vào nghề, hay em Hanh Tran đẹp trai còn phải giảng lại về cách resolve Git conflict cho mình kèm câu trấn an:
  • Uống miếng trà sữa đi anh. Sao nhìn anh hoảng loạn zậy. Dễ ẹc hà.

Nghĩ về tương lai
Đây không hẳn là một cách thực tế để cho bạn kiến thức. Nhưng nó sẽ cho bạn niềm tin trước khi nản lòng. Như câu chuyện cô bé bán báo, à nhầm, bán diêm, những hồi tưởng đẹp của cô bé đã giữ cho em hạnh phúc trong những giờ phút cuối. So sánh hơi lệch lạc rồi, sorry, vì bạn cũng không chịu lạnh đến thế hay nghe nguy cấp như vậy. nhưng những niềm vui mà bạn có thể đạt được nếu cố gắng đi đến cuối con đường sẽ là hành trang đễ bạn nghĩ về, để mỗi ngày cố gắng thêm một chút, hoàn thiện thêm một chút trên con đường.
Bài viết đã dài, xin dừng ở đây, bonus tấm hình minh họa khó lòng thực tế hơn ở hai giai đoạn mình học hai tấm bằng khác nhau, và mong rằng một ai đó cần bài viết này, khi đọc được, thì gương mặt sẽ dãn ra được một chút, hít một hơi dài để biết là, đâu còn có đó. ?
24.10.2022

Cre: Jayden Tran

5/5 - (21 votes)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *