Trước hết cho phép mình giới thiệu: mình tên Hà, hiện đang làm NDIS Support Coordinator ở VIC. Mình có PR từ tháng 4 năm ngoái 2022. Thâm niên kinh nghiệm của mình thì cũng khoảng 3 năm trong lĩnh vực chăm sóc người khuyết tật dưới quỹ NDIS của họ từ chính phủ Úc. Nhân tiện mấy hôm nay thấy các bạn đã từng học Social Work đăng vài bài rất bổ ích về công việc này ở Úc nên mình cũng muốn chia sẻ một chút về những “góc tối” mà ngành Social Work đem lại cho mọi người. Kinh nghiệm của mình chủ yếu dừng ở mức bản thân và có một vài dẫn chứng cụ thể nên không mang tính phổ quát, mọi người đọc thì cố gắng tự phân tích và tìm hiểu sâu thêm để hình thành quan điểm cá nhân về ngành này.
Về những mảng mà Social Worker có thể làm mình xin không nhắc lại nữa; tuy nhiên theo mình và cái này cũng là từ hồi mình học Master of Social Work ở Monash thì có một số mảng làm rất cực, mà đầu tiên và chủ yếu là Child Protection. Mình biết có bạn Vinh Nguyen đã chia sẻ về kinh nghiệm làm việc ở NT trong mảng này nhưng mình cũng xin chia sẻ là bạn ý có thể không nói cụ thể thêm về những gì sẽ xảy ra sau khi đứa trẻ được cách li khỏi gia đình của chúng. Nói tóm lại là những đứa trẻ đó sẽ được đưa vào những trung tâm nuôi trẻ tạm thời (interim care aka out-of-home care) để Tòa Án bên này quyết định bước tiếp theo. Social Worker trong giai đoạn này đứng ra làm liaison officer (điều phối viên) khá nhiều trong việc quyết định kế hoạch nuôi đứa trẻ này để xem gia đình bố mẹ đẻ có phải là môi trường phù hợp hay là phải cho đi vào hệ thống bảo vệ trẻ em của DFFH (Department of Families, Fairness and Housing ở VIC hoặc Department of Territory Families, Housing and Communities ở NT). Nói chung đúng như bạn Vinh nói, trường hợp sau khá là đau lòng vì đứa trẻ sẽ không được ở với bố mẹ đẻ vì nhiều lý do không tiện nói nhưng nói chung là đều phức tạp và người Social Worker phải đấu tranh tư tưởng (moral dillema) rất nhiều về những case như vậy. Nghe thì dễ nhưng có làm trong nghề mới biết là tỷ lệ burnout của Social Worker khá cao.
Những mảng dễ thở hơn ở Úc như Disability Care hay Aged Care cũng có cái khó của nó. Khó ở chỗ là những người khuyết tật hay người già neo đơn ở Úc không chỉ đơn giản là những người không may mắn trong xã hội. Phần lớn họ đều rơi vào cảnh nghèo túng (poverty) và rất nhiều người nhận trợ cấp từ Centrelink như nguồn thu nhập chính của họ. Nghe thì có vẻ sướng đấy nhưng thực tế là vắt mũi đủ đút miệng thôi vì bây giờ vật giá leo thang, rent rồi bills rồi grocceries – cái gì cũng đội giá lên nhiều lần. Với tư cách là Social Worker hỗ trợ những nhóm đối tượng này, các bạn xác định việc làm ngoài giờ hành chính là có thể xảy ra và nhiều khi bạn phải đối phó với rất nhiều tình huống khẩn cấp (emergencies) mà không có được trả lương xứng đáng cho thời giờ và công sức bạn bỏ ra để giải quyết những trường hợp đó. Cái nữa là việc liên hệ với các cơ quan xã hội khác của chính phủ cũng là việc thường gặp, nếu các bạn ngại va chạm thì có lẽ phải rèn luyện bản thân hoặc coi lại hướng đi vì ngành này không đấu tranh (advocate) cho những người bạn hỗ trợ thì 100% là họ sẽ là người chịu thiệt thòi và nếu bạn đấu tranh thì nhiều khi sẽ đem lại rất nhiều công việc không tên cho bạn và cảm xúc tiêu cực (negative emotions) cũng từ đó mà dần dần được tích tụ lại. Ví dụ bạn gọi điện cho Housing Commision (Quản lý nhà công của chính phủ) để hỏi xem nhà của một anh bị khuyết tật đến đâu rồi và họ bảo là không có gì khác ngoài việc chờ đâu (trong khoảng 2 năm) thì các bạn coi sao? Hay có những người bị NDIS từ chối 5-6 lần vì những lý do khá trời ơi đất hỡi nhưng vì họ làm đúng nguyên tắc và người khuyết tật bị từ chối có rất nhiều vấn đề nan giải mà họ không tự giải quyết được và bạn phải hỗ trợ họ đi ra AAT để đưa vấn đề NDIS từ chối ra thảo luận. Đấy là một vài case study nổi trội mình đưa ra thôi, còn nhiều lắm các câu chuyện khá phức tạp không tiện chia sẻ được.
Nói tóm lại là các bạn học sinh, sinh viên đang hướng tới học Social Work để lấy PR thì mình cũng ủng hộ, tuy nhiên thực sự các bạn phải xác định nếu sau này theo nghề thì xác định nghề này không giàu được đâu và nó cũng sẽ làm cho các bạn rất dễ burnout. Cái nữa là làm phải có cái tâm và xác định là “work from their levels” thì mới giải quyết được các vấn đề nan giải của những người bạn trợ giúp. Cái cuối cùng thì mình khuyên là đừng đi theo Child Protection ngay khi các bạn mới ra trường vì khả năng cao nếu các bạn bị burnout, chưa chắc sẽ quay lại được với nghề này chứ chưa nói tới mảng phức tạp đó. Các bạn phải có một cái kỳ vọng thực tế để khi đi làm Social Worker không bị hẫng và phải chuẩn bị tốt các kỹ năng giao tiếp cũng như hiểu rõ các quy định, chế tài và văn bản hướng dẫn và nên học hỏi từ những người có thâm niên trong tổ chức các bạn làm để biết được những cách làm việc hiệu quả và nhanh chóng nhất.
Chúc các bạn sẽ, đang và đã làm Social Worker mạnh khỏe và luôn giữ gìn sức khỏe nhất là tâm lý để vững bước trên con đường các bạn đã chọn
Full disclaimers:
Mình viết post này chỉ để nêu ra một số khó khăn thực tế trong ngành Social Work mà mình và một số người mình quen có gặp phải. Mình vẫn rất khuyến khích các bạn theo học và đi làm ngành này vì không có những người Social Worker giúp đỡ những người khó khăn trong xã hội Úc thì xã hội sẽ không tiến bộ và nhân văn được.
Và mình cũng biết là nhiều cái mình cũng không có biết sâu, vậy nên các bạn nào biết thêm thì cứ chia sẻ và đóng góp ý kiến. Thanks all
Cre: Nguyễn Mạnh Hà
Nội dung chia sẻ thêm bởi Sy Xuan:
Nhân tiện bạn Hà viết về NDIS mình xin chia sẻ 1 chút về công việc chăm sóc NDIS clients, đặc biệt những trẻ em nhỏ đến 18 tuổi bị autism, mental health and non-verbal… Công ty mình có hơn 10 client thì có 3 client thuộc trường hợp này. Với những ai đang học hoặc đang làm disability support worker, cần xác định rõ bạn phải làm việc từ cái tâm, chính xác hơn là attitudes khi làm việc rất quan trọng bởi vì nếu không đồng cảm, chia sẻ va open your heart khi chăm sóc những người này thì sớm hay muộn các bạn cũng bỏ nghề hoặc đổi việc liên tục. Thậm chí có người còn ngược đã disable people va nếu bị phát hiện tố cáo sẽ list vào criminal record nữa. Bà mẹ của 1 client của công ty mình có con autism chưa bao giờ thể hiện một nụ cười trên khuôn mặt. Thực sự khi có con cái như vậy họ thực sự rất bế tắc, buồn phiền vì bác sĩ không can thiệp được gì nhiều cả.